“Party of Buddha” – Bài hát xúc phạm Phật giáo gây phẫn nộ của Rapper Chị Cả

Sau sự việc một nhóm rapper xúc phạm Phật giáo gây xôn xao dư luận nhiều ngày nay, gần đây, lại rộ lên bài rap “Party of Buddha” (tạm dịch: Bữa tiệc của Phật) của Rapper Chị Cả.

Mặc dù bản rap này đã được phát hành trên Youtube khoảng gần 3 năm nhưng gần đây được cộng đồng mạng chú ý tới bởi nội dung tục tĩu, xúc phạm, báng bổ Phật giáo.

245671465-397903245206027-7837167660011334605-n-1634567204.jpg

Rapper Chị Cả tên thật là Đinh Thanh Tùng, nổi tiếng gần đây nhờ lọt vào vòng chung kết chương trình truyền hình về âm nhạc “King of Rap” (2020) trên sóng VTV3.

Về bản nhạc “Party of Buddha”, đây là bài nhạc xúc phạm đến Phật giáo với những ngôn từ tục tĩu, thác loạn, thóa mạ, phỉ báng Đức Phật và các tu sĩ Phật giáo.

Trong khi, Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới, những giá trị của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại cho thế nhân luôn được thế giới đánh giá cao. Không tự nhiên mà Liên Hợp Quốc - một trong những tổ chức liên chính phủ lớn nhất hành tinh tổ chức Đại lễ Vesak (Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết bàn) trên toàn thế giới nhằm ghi nhận những đóng góp của Phật giáo với nhân loại.

Tại Đại lễ Vesak (2020), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gửi thông điệp: "Trong thời đại mà thiếu sự khoan dung, bất bình đẳng ngày càng tăng, thông điệp của Đức Phật về bất bạo động và phục vụ chúng sinh là cần thiết hơn bao giờ hết..."

Ở Việt Nam, đạo Phật đã đồng hành cùng dân tộc gần 2.000 năm lịch sử. Có những thời đại, đạo Phật đã từng là quốc đạo như thời Lý, thời Trần,... Vua thường lễ Phật, kính Sư; Quốc sư được tham gia công việc triều chính như: Thiền sư Nguyễn Minh Không, Thiền sư Khuông Việt,...và có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của quốc gia.

Chư Tăng Ni - đệ tử Phật cũng thật đáng kính quý bởi là những người “làm được những việc khó làm, bỏ được những việc khó bỏ”, chỉ với mong nguyện “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Không đâu xa, trong đại dịch COVID-19 gần đây, chư Tăng Ni cả nước làm sáng ngời lên tinh thần cứu khổ - ban vui, phụng sự tha nhân của nhà Phật. Họ đã ra sức kêu gọi ủng hộ về sức người, sức của. Thậm chí, nhiều Tăng Ni “cởi áo cà sa, khoác áo blouse”, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch không quản hiểm nguy tính mạng.

Chính vì Phật giáo là một tôn giáo như vậy nên các nhà lãnh đạo cấp cao của Nhà nước khi đến chùa vẫn lễ Phật để bày tỏ sự cung kính trước Đấng Giác Ngộ, biết ơn những giá trị của Đức Phật để lại cho nhân sinh.

Đây là truyền thống vô cùng cao quý, tốt đẹp của cha ông, là sự minh chứng về một dân tộc quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền bình đẳng tôn giáo được coi trọng.

Thật vậy, dù thời gian trôi qua không ngừng, bạn là ai, ở quốc gia nào thì những giá trị về đạo đức vẫn luôn được coi trọng; mà đạo Phật lại dạy cho con người hướng tới hoàn thiện đạo đức.

Vậy tại sao một người trẻ tạm gọi là nghệ sĩ lại mang những thứ dung tục vấy bẩn lên những điều cao quý, những bậc đáng quý? Phải chăng đây là thứ gọi là “cống hiến cho nghệ thuật”? Không! Chắc chắn đây không gọi là nghệ thuật.

Nghệ thuật có thể hiểu đơn giản là các hoạt động để tạo ra các sản phẩm (có thể là vật thể hoặc phi vật thể) mang lại những giá trị lớn về tinh thần, tư tưởng và có giá trị thẩm mỹ, mang giá trị văn hóa và làm rung động cảm xúc, tư tưởng tình cảm của khán giả (người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật).

Dẫu biết trong nghệ thuật, mỗi người đều cần sự phá cách, sáng tạo không ngừng để tạo nên chất riêng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, Rapper này đang đi quá giới hạn của cái gọi là nghệ thuật. Phải chăng trước khi sáng tác bài này, Chị Cả chọn cách “Liều ăn nhiều” và kết quả thực tế ngoài mong đợi lại là “ăn nhiều” điều thị phi?

Thiết nghĩ, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”, tạm gác lại những sự việc trên, nếu “Thí sinh King of Rap” là một người vẫn có lòng tự trọng nghề nghiệp và coi mình là một nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật thì cần đến Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin lỗi công khai tới Phật giáo và cộng đồng Phật tử. Thực chất, đạo Phật là đạo của từ bi nhưng nhân quả thì không chừa một ai!